Cấu tạo bài hát Đất nước trọn niềm vui

Theo lời thuật của chính nhạc sĩ, vào thời điểm đêm 26 tháng 4, thực sự vẫn chưa có rừng cờ chiến thắng, niềm vui "đi trong muôn ánh sao vàng cờ đỏ tung bay", mà chỉ là những dự cảm của riêng ông, nhưng cũng là niềm tin tuyệt đối của mọi người dân Việt Nam sống trong thời kỳ lịch sử ấy.

Ông cũng đính chính mình chưa từng một lần đặt chân vào đất Sài Gòn khi viết ca khúc này.

"Mãi đến năm 1977, tôi mới tận mắt trông thấy Sài Gòn. Hồi đó, từ giữa tháng 4 năm 1975, không khí Hà Nội quanh tôi rất sôi động. Trong cơ quan Đài Tiếng nói Việt Nam, chúng tôi theo dõi tình hình chiến sự từng giờ từng phút, ai cũng náo nức, rạo rực. Đường phố cũng như vậy, tràn ngập một không khí phấn khởi, rộn ràng."

...

"Nhiều hôm, sau giờ làm việc tôi không về nhà mà ở lại cơ quan để tiếp cận với tin tức nhanh hơn, đầy đủ hơn. Nhưng nếu chỉ có cảm xúc trong bối cảnh ở Hà Nội, thì chắc bài hát đã có một hình dạng khác. Viết được Đất nước trọn niềm vui cũng là cả một quá trình."
— Nhạc sĩ Hoàng Hà

Ca khúc được miêu tả là một bài theo dòng nhạc cách mạng, và bản nhạc gốc của NSND Trung Kiên thu âm có độ dài 5 phút 17 giây.

Ca khúc cũng từng được miêu tả là "một khúc ca hùng hồn tràn ngập niềm hân hoan tột cùng của cả một dân tộc mừng vui chiến thắng, khí thế hoành tráng, tưng bừng, sống động của ngày đất nước ca khúc khải hoàn". Ca khúc được viết ở cung Fa trưởng nhịp 2/4 là một ca khúc thấm đẫm chất hành khúc toát lên bởi giai điệu khỏe khoắn, hân hoan, hùng tráng, đoạn kết được tác giả chắt lọc những nốt liền mạch ở cao độ Sól - lá qua Fá trong trường độ kéo dài nhiều nhịp, tạo nên sự hợp lý ở cả ý nghĩa ca từ và hình ảnh âm nhạc.

Nhiều đoạn ca từ của bài hát đã trở nên rất phổ biến, giống như những đoạn: "Ta đi trong muôn ánh sao vàng, rừng cờ tung bay! Rộn ràng bao mê say những bước chân dồn về đây. Sài Gòn ơi! Vững tin đã bao năm rồi một ngày vui giải phóng. Ta nghe như vang tiếng Bác Hồ dậy từ non sông! Rạo rực sao hôm nay, Bác vui với hội toàn dân..." hay "Hội toàn thắng náo nức Đất nước/Ta muốn bay lên say ngắm sông núi hiên ngang... Ta muốn ôm hôn mỗi tấc đất quê hương"...

NSND Trọng Bằng - Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã có lần nhận xét: " "Ta muốn bay lên" niềm vui lớn quá làm cho con người như "bay lên" khỏi mặt đất để nhìn tới được nơi đang chiến thắng, nhìn trước được ngày toàn thắng".

Nhạc sĩ-NSƯT Hoàng Lương, con trai của tác giả, có nói: "Chỉ một chữ 'trọn' trong nhan đề bài hát mà tôi thấy kính phục cha mình quá. Phải sống dưới bom Mỹ, bị mảnh bom găm cả vào gối ngủ như gia đình tôi trong đêm Hà Nội năm ấy thì mới càng hiểu ý nghĩa của chữ 'trọn' trong trọn vẹn niềm vui ấy! Vì trước đó, miền Bắc được sống trong hòa bình, ai cũng thấy vui và tin tưởng nhưng 'trọn' niềm vui lớn lao đúng nghĩa thì phải đến 30/4/1975, khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước."